Nghiên cứu nhằm xác định các nhân tố ảnh hưởng đến ý định mua hàng trực tuyến của sinh viên Trường Đại học Tây Đô thông qua việc áp dụng phân tích độ tin cậy thang đo Cronbach’s Alpha, phân tích nhân tố khám phá và phân tích hồi quy tuyến tính. Mô hình nghiên cứu đề xuất gồm năm nhân tố với 24 biến quan sát: Nhận thức tính hữu ích, Nhận thức tính rủi ro, Chuẩn chủ quan, Chất lượng trang web và Truyền thông xã hội. Dữ liệu được thu thập bằng cách khảo sát 270 sinh viên tại trường. Sau khi kiểm tra độ tin cậy thang đo, phân tích nhân tố khám phá và phân tích hồi quy, kết quả nghiên cứu cho thấy Nhận thức tính hữu ích và Nhận thức tính rủi ro là hai nhân tố ảnh hưởng lớn nhất đến ý định mua hàng trực tuyến, trong đó Nhận thức tính rủi ro ảnh hưởng tiêu cực đến ý định mua hàng trực tuyến của sinh viên. Nghiên cứu cũng đưa ra vài hàm ý quản trị nhằm góp phần hỗ trợ các nhà bán lẻ thương mại điện tử thu hút nhiều sinh viên mua sắm trực tuyến trong thời gian tới.
Nghiên cứu được thực hiện nhằm xác định các nhân tố ảnh hưởng đến cảm nhận của sinh viên đối với nhân viên thư viện tại Trường Đại học Tây Đô. Số liệu được thu thập qua phỏng vấn 353 sinh viên sử dụng thư viện với bảng câu hỏi soạn sẵn. Mô hình nghiên cứu đề xuất gồm bốn nhân tố với 24 biến quan sát: Bản chất công việc của nhân viên thư viện, Hình ảnh của nhân viên thư viện, Kỹ năng của nhân viên thư viện và Thái độ của nhân viên thư viện. Thống kê mô tả, kiểm định Cronbach’s Alpha, phân tích nhân tố khám phá và phân tích hồi quy đa biến được sử dụng trong nghiên cứu này. Kết quả cho thấy cảm nhận của sinh viên chịu sự tác động cùng chiều của ba yếu tố, theo thứ tự quan trọng: Hình ảnh của nhân viên thư viện, Thái độ của nhân viên thư viện và Kỹ năng của nhân viên thư viện. Dựa trên kết quả nghiên cứu, nhóm tác giả đề xuất một số hàm ý quản trị nhằm giúp nhà trường nâng cao cảm nhận tích cực của sinh viên đối với nhân viên thư viện, qua đó nhằm cải tiến chất lượng phục vụ làm tăng sự hài lòng của sinh viên tại Trường Đại học Tây Đô.
Một tổ chức thành công cần có những người lao động sẵn sàng làm nhiều hơn những nhiệm vụ được nêu trong bản mô tả công việc. Mục tiêu của nghiên cứu này là xác định và đánh giá mức độ ảnh hưởng của các nhân tố đến hành vi công dân tổ chức của người lao động tại Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế. Số người lao động đang làm việc tham gia vào quá trình khảo sát là 203. Nghiên cứu sử dụng kiểm định độ tin cậy thang đo Cronbach’s Alpha, phân tích nhân tố khám phá (EFA) và hồi quy đa biến. Kết quả nghiên cứu cho thấy có bốn nhân tố ảnh hưởng có ý nghĩa thống kê đến hành vi công dân tổ chức của người lao động, với mức độ tác động giảm dần, bao gồm: cam kết tổ chức, hỗ trợ từ tổ chức, sự hài lòng và sự gắn kết, với hệ số tương quan R2 = 0,60. Trong khi đó, nghiên cứu này không phát hiện tác động có ý nghĩa thống kê của lãnh đạo đến biến phụ thuộc. Truyền cảm hứng, tăng cường các chính sách hỗ trợ, khảo sát sự hài lòng cũng như sắp xếp vị trí công việc phù hợp cho người lao động là những hàm ý quản trị được đề xuất đến lãnh đạo Công ty nhằm thúc đẩy hành vi công dân tổ chức của người lao động trong thời gian tới.
Mục đích của nghiên cứu nhằm đánh giá các nhân tố ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ lắp đặt Internet của Công ty Viettel Cần Thơ – Chi nhánh Ô Môn. Dựa trên mô hình đánh giá chất lượng dịch vụ SERVPERF, nghiên cứu đề xuất sử dụng mô hình gồm sáu nhóm biến ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ bao gồm: Sự tin cậy, Sự đáp ứng, Năng lực phục vụ, Sự đồng cảm, Phương tiện hữu hình và Giá cả cảm nhận. Với mẫu thu thập được gồm 186 quan sát từ các khách hàng ở quận Ô Môn đã sử dụng dịch vụ lắp đặt Internet của Công ty. Sau khi kiểm định thang đo bằng độ tin cậy Cronbach’s Alpha và phân tích nhân tố khám phá – EFA các nhóm trên được phân nhóm lại và hình thành bảy nhân tố. Sau đó, mô hình đã điều chỉnh lại với nhân tố mới nhận được là Đường truyền. Áp dụng phương pháp hồi quy tuyến tính đa biến, kết quả nghiên cứu cho thấy các nhân tố có ảnh hưởng nhiều nhất theo thứ tự từ cao tới thấp đến chất lượng dịch vụ này là Giá cả cảm nhận, Năng lực, Đường truyền, Sự tin cậy, Sự đồng cảm, Sự đáp ứng và Phương tiện hữu hình. Từ đó, nghiên cứu đưa ra các đề xuất hướng tới nâng cao chất lượng dịch vụ của Công ty.
Kho bạc Nhà nước là ngành dọc trực thuộc Bộ Tài chính, có nhiệm vụ và chức năng chủ yếu là quản lý, kiểm soát và báo cáo tình hình thu, chi ngân sách nhà nước. Nghiên cứu nhằm mục tiêu đánh giá các nhân tố ảnh hưởng đến công tác kiểm soát chi ngân sách Nhà nước qua Kho bạc Nhà nước huyện Châu Thành, tỉnh An Giang. Nghiên cứu thực hiện phỏng vấn trực tiếp 155 công chức, cán bộ đến giao dịch tại Kho bạc Nhà nước huyện Châu Thành. Phương pháp thống kê mô tả, kiểm định Cronbach’s Alpha, phân tích nhân tố khám phá và phân tích hồi quy tuyến tính được sử dụng. Kết quả nghiên cứu đã đánh giá được năm nhân tố tác động đến hiệu quả kiểm soát chi Ngân sách Nhà nước qua Kho bạc Nhà nước huyện Châu Thành gồm có Dự toán Ngân sách nhà nước, Tổ chức bộ máy kiểm soát, Chất lượng cán bộ kiểm soát, Mức độ hài lòng của khách hàng giao dịch và Hệ thống kiểm soát nội bộ. Các nhân tố này đã giải thích được 68,5% sự biến thiên của biến phụ thuộc (R2 hiệu chỉnh = 0,685). Từ kết quả nghiên cứu, tác giả đã đề xuất các hàm ý quản trị nhằm nâng cao hiệu quả kiểm soát chi qua Kho bạc Nhà nước huyện Châu Thành, tỉnh An Giang giúp các cơ quan, đơn vị sử dụng Ngân sách nhà nước đạt hiệu quả.