Trang chủ / Ấn phẩm /

Ấn phẩm 16

Phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định lựa chọn sử dụng dịch vụ tại Công ty Cổ phần Cảng Cần Thơ
Số trang 12
Từ khóa: Dịch vụ cảng, quyết định lựa chọn, yếu tố ảnh hưởng
|| || Chi tiết

Nghiên cứu được thực hiện nhằm mục tiêu phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định lựa chọn sử dụng dịch vụ của Công ty Cổ phần Cảng Cần Thơ, từ đó giúp doanh nghiệp đưa ra các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, thu hút khách hàng, nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh. Khảo sát ý kiến của 207 khách hàng được thực hiện, sử dụng phương pháp kiểm định độ tin cậy Cronbach’s Alpha, phương pháp phân tích nhân tố khám phá EFA và phân tích hồi quy đa biến để phân tích số liệu được thu thập. Kết quả phân tích cho thấy quyết định lựa chọn của khách hàng sử dụng dịch vụ tại Công ty chịu ảnh hưởng tích cực bởi sáu yếu tố theo thứ tự quan trọng giảm dần: Độ tin cậy, Thuận tiện, Cơ sở vật chất, Giá dịch vụ, Thái độ phục vụ, Giá trị thương hiệu. Trên cơ sở kết quả nghiên cứu, một số hàm ý quản trị được đề xuất nhằm giúp thu hút sự lựa chọn của khách hàng tại Công ty Cổ phần Cảng Cần Thơ.

Vài nét về đổi mới đào tạo đại học và sau đại học ở Trường Đại học Tây Đô
Số trang 7
Từ khóa: Chất lượng đào tạo, phát triển nhân lực, nghiên cứu khoa học, xuất bản khoa học
|| || Chi tiết

Cải tiến và nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng nguồn nhân lực phục vụ cho chiến lược phát triển kinh tế xã hội là vô cùng cần thiết, nhất là sau đại dịch Covid-19. Đào tạo ở trường đại học luôn được quan tâm đến bốn yếu tố: Đội ngũ giảng viên, Cơ sở vật chất, Chương trình đào tạo, và Quản lý đào tạo. Bài viết nêu một số ý kiến đề xuất nhằm tăng chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu của xã hội của Trường Đại học Tây Đô như Phát triển nguồn nhân lực, tăng cường đội ngũ giảng viên, tuyển chọn giảng viên theo tiêu chí Tinh, Tâm, Trí, Đức; Trang bị trang thiết bị hiện đại cho Phòng thí nghiệm, trạm trại thực nghiệm, ký túc xá sinh viên, có hợp tác với doanh nghiệp, bệnh viện để đạt chuẩn đầu ra về kỹ năng nghề nghiệp; Cập nhật các chương trình đào tạo theo các Trường Đại học hàng đầu trong nước và quốc tế; Ứng dụng kỹ thuật số trong quản trị Nhà trường và dạy học; Giải pháp tích cực cần thiết cho sự nỗ lực của thầy cô, sinh viên, học viên và nghiên cứu sinh trong nghiên cứu khoa học, công bố kết quả nghiên cứu trên tạp chí khoa học quốc tế và trong nước. Ngoài ra, tạo nên một khối đại đoàn kết mà hạt nhân là Hội đồng Trường, Ban Giám hiệu và Hệ thống chính trị, và sự phấn đấu, sáng tạo, đổi mới của toàn thể cán bộ, giảng viên của Trường là rất cần thiết được phát huy hơn.

Một số vướng mắc về việc tuyên bố vô hiệu hợp đồng cầm cố quyền sử dụng đất do vi phạm điều cấm của luật và hướng hoàn thiện
Số trang 11
Từ khóa: Cầm cố, giao dịch bảo đảm, hợp đồng, quyền sử dụng đất
|| || Chi tiết

Cầm cố quyền sử dụng đất là biện pháp bảo đảm thường được các chủ thể trong xã hội áp dụng để bảo vệ quyền lợi cho bên có quyền hay nói cách khác là để bên có nghĩa vụ thực hiện nghiêm túc nghĩa vụ của họ. Tuy nhiên, Luật Đất đai năm 2013 lại không quy định rõ ràng về quyền cầm cố của người sử dụng đất, dẫn đến gây khó khăn cho người sử dụng đất khi quyết định xác lập hợp đồng cầm cố quyền sử dụng đất và giải quyết tranh chấp tại Cơ quan có thẩm quyền. Điều đáng lưu ý hiện nay khi Tòa án giải quyết tranh chấp hợp đồng cầm cố quyền sử dụng đã có nhiều bản án tuyên bố vô hiệu hợp đồng cầm cố quyền sử dụng đất với lý do vi phạm điều cấm của luật. Với hướng giải quyết này của Tòa án theo tác giả là chưa thuyết phục và chưa phù hợp với quy định của pháp luật Dân sự hiện nay. Qua đó đòi hỏi pháp luật cần quy định rõ ràng về quyền cầm cố quyền sử dụng đất của người sử dụng đất và có văn bản hướng dẫn cụ thể từ cơ quan có thẩm quyền để Tòa án áp dụng vào việc giải quyết tranh chấp, đảm bảo quyền lợi của các bên trong giao dịch.

Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng hình sự gây ra - Hạn chế và giải pháp khắc phục
Số trang 14
Từ khóa: Bồi thường thiệt hại, cơ quan, thẩm quyền, tố tụng hình sự
|| || Chi tiết

Điều 598 của Bộ Luật Dân sự 2015 (BLDS) 2015 có quy định như sau: “Nhà nước có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây ra theo quy định của Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước”. Như vậy, BLDS 2015 đã dẫn chiếu đến Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong việc bồi thường thiệt hại do hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây ra. Tuy nhiên, trong quá trình nghiên cứu, không thể phủ nhận những đóng góp của Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 về trách nhiệm bồi thường thiệt hại của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng hình sự gây ra trong những năm qua nhưng bên cạnh đó vẫn còn bộc lộ một số hạn chế cần được khắc phục trong thời gian tới. Chính vì vậy, để hoàn thiện hơn nữa quy định pháp luật về vấn đề này và đạt hiệu quả hơn trong việc áp dụng về thực tiễn nên tác giả đã đưa ra một số kiến nghị như: bổ sung một số thuật ngữ pháp lý, sửa đổi, bổ sung một số quy định của pháp luật để từ đó góp phần hoàn thiện quy định của pháp luật, giải quyết các vấn đề hữu quan khác cũng như đảm bảo sự cân bằng giữa quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, người bị thiệt hại và lợi ích của Nhà nước.

Ảnh hưởng của văn hóa doanh nghiệp đến sự gắn bó với công việc của người lao động tại Trường Đại học Nam Cần Thơ
Số trang 14
Từ khóa: Yếu tố ảnh hưởng, sự gắn bó của người lao động, Trường Đại học Nam Cần Thơ, văn hóa doanh nghiệp
|| || Chi tiết

Nghiên cứu được thực hiện nhằm đánh giá sự gắn bó của người lao động trong tổ chức dưới tác động của các khía cạnh văn hóa Trường Đại học Nam Cần Thơ thông qua xây dựng và kiểm định mô hình ảnh hưởng của văn hóa doanh nghiệp. Phương pháp phân tích được sử dụng qua thống kê mô tả, kiểm định T-test, phân tích ANOVA, kiểm định độ tin cậy thang đo, phân tích nhân tố khám phá, phân tích hồi quy để kiểm định mô hình giả thuyết. Số liệu được thu thập qua phỏng vấn 152 người đang làm việc tại Trường Đại học Nam Cần Thơ theo phương pháp chọn mẫu thuận tiện. Kết quả nghiên cứu cho thấy sáu yếu tố Giao tiếp trong tổ chức, Đào tạo và phát triển, Công nhận và phần thưởng, Định hướng tương lai, Hỗ trợ của cấp trên và đồng nghiệp, Làm việc nhóm, đều ảnh hưởng đến sự gắn bó công việc, với hệ số tương quan R2 =0,55. Trong sáu yếu tố này, yếu tố Giao tiếp trong tổ chức và yếu tố Đào tạo và phát triển là hai yếu tố quan trọng nhất. Trên cơ sở xác định sáu yếu tố ảnh hưởng, hàm ý quản trị được đề xuất nhằm tác động tích cực đến sự gắn bó công việc của người lao động tại Trường Đại học Nam Cần Thơ.