Mục tiêu nghiên cứu nhằm xác định các nhân tố ảnh hưởng đến hiệu quả làm việc của người lao động tại Xí nghiệp Khai thác và Chế biến đá Cô Tô, tỉnh An Giang. Nghiên cứu được sử dụng phương pháp nghiên cứu định tính kết hợp nghiên cứu định lượng. Kết quả phân tích dữ liệu khảo sát 148 người lao động thông qua các bước: thống kê mô tả, kiểm định độ tin cậy của thang đo, phân tích nhân tố khám phá (EFA), phân tích hồi quy tuyến tính. Kết quả nghiên cứu cho thấy sáu nhân tố tác động đến hiệu quả làm việc giảm dần như sau: Năng lực làm việc; Môi trường làm việc; Quan hệ với đồng nghiệp; Quan hệ với lãnh đạo; Lương, thưởng và phúc lợi; và Động lực làm việc. Từ kết quả nghiên cứu nhóm tác giả đã đưa ra một số hàm ý quản trị giúp Ban lãnh đạo Xí nghiệp đưa ra các chính sách, giải pháp hữu ích nhằm nâng cao hiệu quả làm việc của người lao động, góp phần tăng năng suất lao động, mang lại hiệu quả sản xuất kinh doanh tại đơn vị.
Nghiên cứu nhằm xác định các nhân tố ảnh hưởng đến hệ thống kiểm soát nội bộ (HTKSNB) tại Ngân hàng thương mại cổ phần Sài gòn thương tín – Khu vực Tây nam bộ (Sacombank – KV Tây nam bộ). Trên cơ sở đó đề xuất giải pháp để hoàn thiện công tác quản trị HTKSNB tại Sacombank – KV Tây nam bộ. Dữ liệu nghiên cứu được thu thập bằng phương pháp khảo sát trực tiếp 364 cấp lãnh đạo tại các chi nhánh Sacombank - KV Tây nam bộ. Nghiên cứu sử dụng phương pháp tham vấn chuyên gia, thang đo Likert và các phương pháp kiểm định (đánh giá độ tin cậy Cronbach’s Alpha, phân tích nhân tố khám phá EFA, kiểm định sự tương quan Bartlett, phương trình hồi quy đa biến) để phân tích dữ liệu. Kết quả nghiên cứu cho thấy có sáu nhân tố tác động đến HTKSNB tại Sacombank – KV Tây nam bộ lần lượt là: Hoạt động giám sát, môi trường kiểm soát, hoạt động kiểm soát, thông tin truyền thông, công nghệ thông tin và đánh giá rủi ro. Từ đó, một số giải pháp được đề xuất là: Xây dựng “Ngân hàng kiểm soát rủi ro”, Thực hiện công tác luân chuyển nhân sự, Đẩy mạnh hoạt động giám sát từ xa và Quán triệt công tác quản lý user – password
Trong thời gian vừa qua, xảy ra nhiều vụ án xâm phạm chỗ ở của người khác, ngoài nguyên nhân phát sinh tội phạm do các đối tượng cố ý thực hiện hành vi, còn có nguyên nhân khác là do người dân thiếu hiểu biết về pháp luật, dẫn đến việc thực hiện hành vi phạm tội. Hiện nay, Bộ luật Hình sự hiện hành đã có quy định cụ thể về tội phạm này tại Điều 158 về hành vi, chế tài nhằm mục đích trừng trị, giáo dục, răn đe các đối tượng. Mặc dù đã có chế tài hình sự nhưng việc áp dụng quy định tại Điều 158 Bộ luật Hình sự vẫn còn những vướng mắc như: chưa có văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn về chỗ ở của người khác là chỗ ở như thế nào, hành vi nào được xem là hành vi xâm phạm chỗ ở để xác định trách nhiệm hình sự, trường hợp nào được xem là mất an ninh trật tự - an toàn xã hội, vướng mắc khi thu thập chứng cứ để chứng minh cho hành vi phạm tội… Nghiên cứu dựa trên phương pháp phân tích luật viết, tổng hợp, so sánh. Việc nghiên cứu những khó khăn và vướng mắc góp phần áp dụng thống nhất pháp luật khi xử lý tội phạm xâm phạm chỗ ở người khác và nâng cao hiệu quả áp dụng trên thực tế.
Mục tiêu của nghiên cứu là phân tích thực trạng sử dụng thuốc của bệnh nhân tăng huyết áp mắc kèm đái tháo đường tại Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh năm 2021. Nghiên cứu mô tả, hồi cứu trên 131 hồ sơ bệnh án điều trị tại bệnh viện từ tháng 01/6/2021 đến 01/12/2021. Kết quả ghi nhận các thuốc điều trị tăng huyết áp gồm có 6 nhóm: nhóm ức chế thụ thể chiếm tỷ lệ rất cao 52,2%, tiếp đến là nhóm chẹn kênh calci 48,1% và chẹn beta giao cảm 45,1% cũng được dùng khá phổ biến; các nhóm lợi tiểu 32,1%, nhóm ức chế men chuyển 22,2%, chẹn giao cảm alpha 0,8%. Tỷ lệ phác đồ đơn trị liệu là 33,7% so với phác đồ đa trị liệu là 2 thuốc là 39%, 3 thuốc là 23,8%, 4 thuốc là 3,1% và 5 thuốc là 0,8%. Tác dụng không mong muốn của thuốc điều trị tăng huyết áp ghi nhận được trong nghiên cứu: mệt mỏi 16,0%, đau đầu 14,5%, ho khan 9,9%, tiểu nhiều 9,2%, buồn nôn 7,6%, tăng kali trong máu là 6,9%. Có 10 kiểu tương tác thuốc ghi nhận trong 36 trường hợp ở mức thận trọng.
Mục tiêu của nghiên cứu là đánh giá tình hình sử dụng thuốc trong điều trị tiêu chảy ở trẻ em tại Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh năm 2020. Nghiên cứu mô tả, hồi cứu trên 78 hồ sơ bệnh án điều trị tại bệnh viện từ ngày 01/6/2020 đến 01/12/2020. Kết quả ghi nhận tỉ lệ sử dụng kháng sinh trong mẫu nghiên cứu là 37,2%. Chỉ định kháng sinh trong điều trị tiêu chảy có phân lỏng nhầy và phân lỏng nhầy máu là 100%, chỉ định kháng sinh trong điều trị tiêu chảy có phân lỏng nước là 15,5%. Chỉ định kháng sinh ở tiêu chảy cấp phân máu và tiêu chảy kéo dài là 100%, còn ở tiêu chảy cấp là 33,8%. Kháng sinh được sử dụng nhiều nhất trong nghiên cứu là cefixim 34,6%. Trong điều trị tiêu chảy trong mẫu nghiên cứu trung bình là 3,66±1,61 ngày, trung vị là 3 ngày với thời gian điều trị ít nhất là 2 ngày và dài nhất là 8 ngày. Tỷ lệ phác đồ chỉ định kháng sinh với chế độ liều phù hợp khuyến cáo chiếm 35,9%, chế độ liều thấp hơn khuyến cáo là 1,3%. Chỉ định oresol: để điều trị tiêu chảy trong mẫu nghiên cứu là 25,6%. Chỉ định lactat ringer: trong điều trị tiêu chảy không mất nước chiếm 25,4%. Liều dùng oresol: theo khuyến cáo của WHO và Bộ Y tế độ phù hợp khuyến cáo trong nghiên cứu là 21,8% và thấp hơn khuyến cáo 3,8% còn lại là không có chỉ định oresol. Tỷ lệ chỉ định bổ sung kẽm trong tiêu chảy chỉ chiếm 9% trong tổng mẫu nghiên cứu, trong đó kẽm được chỉ định với tỷ lệ cao nhất trong tiêu chảy phân lỏng nhầy với 11,8%. Độ phù hợp khuyến cáo liều bổ sung kẽm trong điều trị tiêu chảy chiếm tỷ lệ 85,7%. Tỷ lệ có chỉ định probiotic trong tiêu chảy chiếm tỷ lệ 83,3% trong tổng mẫu nghiên cứu, tiêu chảy phân lỏng nhầy máu được chỉ định bổ sung probiotic chiếm tỷ lệ cao nhất 100%.