Các nhân tố ảnh hưởng đến năng lực nghiên cứu khoa học của giảng viên Trường Đại học Tây Đô
Ấn phẩm: 19
Số trang 14
Từ khóa: Giảng viên, Đại học Tây Đô, nghiên cứu khoa học, nhân tố ảnh hưởng
|| || Chi tiết

Nghiên cứu nhằm xác định các nhân tố ảnh hưởng đến năng lực nghiên cứu khoa học của giảng viên Trường Đại học Tây Đô. Dữ liệu được thu thập qua khảo sát 165 giảng viên tại trường bằng phương pháp lấy mẫu toàn bộ tổng thể. Mô hình nghiên cứu đề xuất gồm bốn nhân tố với 27 biến quan sát: Mục tiêu nghiên cứu khoa học của Nhà trường, Chính sách nghiên cứu khoa học, Nguồn lực nghiên cứu khoa học và Hỗ trợ nghiên cứu khoa học của Nhà trường. Phân tích độ tin cậy thang đo Cronbach’s Alpha, phân tích nhân tố khám phá và phân tích hồi quy tuyến tính được thực hiện. Kết quả nghiên cứu cho thấy Nguồn lực nghiên cứu khoa học của Nhà trường và Chính sách nghiên cứu khoa học của Nhà trường là hai nhân tố ảnh hưởng quan trọng nhất đến năng lực nghiên cứu khoa học của giảng viên. Trên cơ sở kết quả nghiên cứu, môt số hàm ý quản trị được đề xuất liên quan đến nguồn lực và chính sách nghiên cứu khoa học của Nhà trường, góp phần nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học của giảng viên và tăng chất lượng giảng dạy, đào tạo của Nhà trường trong thời gian tới.

Hoàn thiện pháp luật về bảo đảm nghĩa vụ bằng thế chấp tài sản của bên thứ ba
Ấn phẩm: 19
Số trang 16
Từ khóa: Bảo đảm nghĩa vụ bằng tài sản của bên thứ ba, giao dịch dân sự, hoàn thiện quy định pháp luật, rủi ro pháp lý thế chấp tài sản của bên thứ ba.
|| || Chi tiết

Thế chấp tài sản là một trong những biện pháp bảo đảm nghĩa vụ phổ biến, trong đó phát sinh quan hệ thế chấp bằng tài sản của bên thứ ba để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ tồn tại thực tế một cách hiển nhiên. Hiện nay có nhiều quan điểm cho rằng có sự nhập nhằng giữa quan hệ này và quan hệ bảo lãnh. Nếu pháp luật dân sự ghi nhận rõ ràng về thế chấp bằng tài sản của bên thứ ba là phù hợp để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ vào trong quy định pháp luật chung về thế chấp. Tuy nhiên, các vấn đề về quyền được yêu cầu bên được thế chấp thanh toán lại khoản tiền tương ứng khi tài sản của bên thứ ba bị bên nhận thế chấp thanh lý; quyền được nhận thù lao khi hoàn thành công việc; mối quan hệ giữa bên được thế chấp và bên thế chấp chưa rõ ràng, cũng như quyền và nghĩa vụ của bên được thế chấp chưa được ghi nhận. Do đó, khi bên thứ ba tham gia vào giao dịch bảo đảm này, pháp luật chưa có đầy đủ cơ sở bảo vệ tốt cho họ. Vì vậy, việc tìm hiểu và đưa ra những kiến nghị hoàn thiện về bảo đảm nghĩa vụ bằng thế chấp tài sản của bên thứ ba để bảo vệ quyền lợi cho các bên (nhất là bên thứ ba) là cần thiết hiện nay.

Đa dạng di truyền giống hoàn ngọc (Pseuderanthemum sp.) ở Đồng bằng sông Cửu Long dựa vào hình thái, và dấu SNP
Ấn phẩm: 19
Số trang 12
Từ khóa: Dấu SNP, đa dạng di truyền, hình thái
|| || Chi tiết

Hoàn Ngọc là cây dược liệu quý chứa các chất -sitosterol, triterpenoid saponin, 1- triacontanol, salicylic acid và các flavonoid acacetin, apigenin, kaempferol và hoạt tính kháng khuẩn cao trên vi khuẩn gram âm, gram dương và cả trên nấm mốc, nấm men và hỗ trợ trong điều trị một số bệnh viêm nhiễm, huyết áp, bệnh gan, thận, ung thư, tiêu chảy,… Nghiên cứu nhằm đánh giá các đặc tính nông học của 11 mẫu giống Hoàn Ngọc dựa vào hình thái và kết hợp phương pháp sinh học phân tử nhằm xác định mối quan hệ di truyền dựa vào trình tự vùng gen “rbcL”. Kết quả bước đầu đánh giá về sự đa dạng di truyền của 11 mẫu Hoàn Ngọc cho thấy có sự khác biệt nhau từ chiều dài thân, chiều rộng lá cho đến chiều dài rễ. Dựa vào kết quả phân tích từ cây phả hệ có thể xếp 11 mẫu Hoàn Ngọc vào hai nhóm chính. Nhóm I là các giống cây ở Bạc Liêu (Ho1), Sóc Trăng (Ho2) và Tiền Giang (Ho3); Kiên Giang (Ho4); Cà Mau (Ho5); Đồng Tháp (Ho6), An Giang (Ho7); Trà Vinh (Ho8); Khánh Hòa (Ho9). Nhóm II bao gồm 2 mẫu giống Cần Thơ (Ho10) và Hậu Giang (Ho11). Với kỹ thuật sinh học phân tử đã xác định được 11 giống Hoàn Ngọc đều thuộc loài Pseuderanthemum sp. Qua đó, có thể ứng dụng vào ngành sản xuất dược liệu được phong phú hơn.

Hàm lượng Polyphenol, Flavonoid toàn phần và một số hoạt tính sinh học của cao chiết từ Cải trời (Blumea lacera (Burm. f.) DC.) và cải đất (Rorippa indica (L.) Hiern.)
Ấn phẩm: 19
Số trang 12
Từ khóa: α-glucosidase, Blumea lacera, DPPH, nguyên liệu khô, nguyên liệu tươi, Rorippa indica
|| || Chi tiết

Nghiên cứu nhằm đánh giá sự thay đổi về hàm lượng polyphenol, flavonoid toàn phần cùng với một vài hoạt tính sinh học (bắt gốc tự do DPPH và ức chế enzyme α-glucosidase hỗ trợ hạ đường huyết) dưới tác dụng của nhiệt qua quá trình phơi khô dược liệu. Đề tài được tiến hành trên các mẫu cao chiết ethanol 96% từ nguyên liệu tươi và khô của cải trời (Blumea lacera (Burm. f.) DC.) và cải đất (Rorippa indica (L.) Hiern.). Kết quả nghiên cứu cho thấy quá trình phơi khô dược liệu giúp tăng hàm lượng hoạt chất của cải trời và cải đất khoảng 2,1 lần. Các hoạt tính sinh học của cải trời thể hiện khả năng kháng oxy hóa và ức chế α-glucosidase cao hơn cải đất. Mẫu cải trời khô bắt gốc tự do DPPH tốt nhất (IC50, DPPH = 76,51 µg/mL), khi giữ nguyên độ tươi của mẫu thì giữ được khả năng ức chế α-glucosidase (IC50, α-glucosidase = 18,23 µg/mL). Kết quả này cung cấp cơ sở về ảnh hưởng của quá trình phơi khô đến hàm lượng hoạt chất và hoạt tính sinh học ở cải trời và cải đất, và cơ sở cho việc lựa chọn dung môi chiết xuất tối hảo cho những nghiên cứu sau.

Tình hình sử dụng thuốc trên bệnh nhân đái tháo đường tuýp 2 điều trị ngoại trú tại Trung tâm Y tế huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng
Ấn phẩm: 19
Số trang 14
Từ khóa: Trung tâm Y tế huyện Cù Lao Dung, tuân thủ điều trị, Đái tháo đường tuýp 2
|| || Chi tiết

Nghiên cứu được thực hiện nhằm khảo sát tình hình sử dụng thuốc và tuân thủ điều trị đái tháo đường tuýp 2 tại Trung tâm Y tế huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng. Thiết kế nghiên cứu mô tả cắt ngang, hồi cứu kèm dữ liệu tiến cứu được áp dụng trên 395 hồ sơ bệnh án và phiếu khảo sát tuân thủ điều trị thu thập trong 6 tháng cuối năm 2020. Kết quả nghiên cứu ghi nhận metformin được sử dụng nhiều nhất (85,8%) với liều 500 mg chiếm tỷ lệ cao nhất. Tỷ lệ sử dụng insulin là 6,8%, với liều dùng buổi sáng chiếm 22,2%. Phác đồ đơn trị liệu chiếm 34,9% và đa trị liệu chiếm 65,1%. Trong phác đồ đơn trị liệu, 20,8% là metformin; 9,6% là gliclazid và 4,6% chỉ định insulin. Trong phác đồ đa trị liệu, metformin + glimepirid chiếm 38,2%. Các biến cố bất lợi ghi nhận là mệt mỏi (31,9%), chướng bụng và đầy hơi (20,8%), nôn và buồn nôn (14,7%), không xuất hiện tương tác thuốc nghiêm trọng. Tỷ lệ bệnh nhân tuân thủ dùng thuốc tốt là 14,4% và 53,9% có mức độ tuân thủ trung bình. Yếu tố liên quan đến tuân thủ điều trị là hoàn cảnh sống và trình độ học vấn (p < 0,05). Kết quả nghiên cứu cho thấy cần tăng cường hoạt động tư vấn nhằm nâng cao kiến thức của bệnh nhân về bệnh lý và cách điều trị, góp phần cải thiện sự tuân thủ điều trị của bệnh nhân.