Nghiên cứu này được thực hiện nhằm xác định các nhân tố ảnh hưởng đến quyết định lựa chọn trường của sinh viên và mức độ tác động, cũng như tầm quan trọng của từng nhân tố đối với quyết định chọn trường. Số liệu nghiên cứu được thu thập qua kết quả khảo sát trực tiếp từ 237 sinh viên năm nhất thuộc Trường Đại học Tây Đô, Trường Đại học Võ Trường Toản và Trường Đại học Cửu Long trong thời gian từ 02/2016 đến 4/2016. Bên cạnh đó, trên cơ sở nghiên cứu lý thuyết và phỏng vấn sâu các chuyên gia, tác giả đưa ra mô hình các nhân tố tác động đến quyết định chọn học tại Trường Đại học Tây Đô gồm 7 nhân tố: (1) Đặc điểm trường, (2) Ngành nghề đào tạo, (3) Nỗ lực giao tiếp, (4) Triển vọng nghề nghiệp, (5) Hình ảnh thương hiệu, (6) Đối tượng tham chiếu, (7) Cơ hội trúng tuyển. Sau khi đánh giá độ tin cậy của thang đo bằng hệ số Cronbach’s Alpha và tiến hành phân tích nhân tố khám phá, kết quả là có 7 thành phần nhân tố được rút trích và các nhân tố vẫn giữ nguyên so với mô hình nghiên cứu đã được đề xuất trước đó. Phân tích hồi quy Binary Logistic 7 nhân tố độc lập với biến phụ thuộc là quyết định chọn trường, kết quả nghiên cứu cho thấy có 4 nhân tố chính yếu tác động đến quyết định lựa chọn học tại Trường Đại học Tây Đô. Đó là (1) Nỗ lực giao tiếp, (2) Hình ảnh thương hiệu, (3) Đối tượng tham chiếu, (4) Cơ hội trúng tuyển.
Trong môi trường cạnh tranh hiện nay, khách hàng là nhân tố quyết định sự tồn tại của ngân hàng, cho nên việc tìm hiểu về nhu cầu khách hàng, các nhân tố tác động đến sự hài lòng của khách hàng càng trở nên cần thiết đối với các ngân hàng. Vì thế, mục tiêu nghiên cứu nhằm xác định mức độ hài lòng của khách hàng đối với chất lượng dịch vụ của ngân hàng, để có giải pháp tăng sự hài lòng cho khách hàng giúp việc giữ chân khách hàng cũ từ đó phát triển khách hàng mới. Nghiên cứu được thực hiện thông qua việc khảo sát với 250 khách hàng đến giao dịch tại Vietinbank Sóc Trăng. Dữ liệu được xử lý từ các phân tích thống kê mô tả, phân tích độ tin cậy, phân tích nhân tố khám phá EFA, phân tích tương quan hồi quy, và Anova. Kết quả cho thấy năm nhân tố ảnh hưởng mạnh đến mức độ hài lòng của khách hàng theo thứ tự: Phương tiện hữu hình, Mức độ đáp ứng, Độ tin cậy, Sự đảm bảo và Sự cảm thông, qua đó đưa ra một số giải pháp để nâng cao sự hài lòng của khách hàng, góp phần vào sự phát triển kinh doanh của đơn vị.
Trong số các biện pháp khẩn cấp tạm thời (BPKCTT) được quy định theo Pháp luật Việt Nam thì một trong số những biện pháp được nhiều đương sự đề nghị áp dụng nhất là biện pháp Cấm chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp. Để áp dụng biện pháp Cấm chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp hiệu quả, chính xác, Tòa án cần có căn cứ cho thấy người đang chiếm hữu hoặc giữ tài sản đang tranh chấp có hành vi chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp cho người khác. Tuy nhiên, trên thực tế các Tòa án gặp nhiều khó khăn do quy định pháp luật chưa rõ ràng dẫn đến việc không thống nhất khi áp dụng. Trong nội dung bài viết, nhóm tác giả trình bày những vấn đề cơ bản của pháp luật liên quan đến căn cứ cho thấy người đang chiếm hữu hoặc giữ tài sản đang tranh chấp có hành vi chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp cho người khác, thực tiễn áp dụng quy định pháp luật, một số bất cập và kiến nghị hoàn thiện quy định pháp luật.
Thực hiện chủ trương chủ động, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế của Đảng và Nhà nước, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao sâu rộng với 189 trong 193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc; tham gia Tổ chức Thương mại thế giới; thiết lập khuôn khổ quan hệ ổn định, lâu dài với 30 đối tác chiến lược và đối tác toàn diện; trở thành mắt xích quan trọng trong nhiều liên kết kinh tế khu vực và toàn cầu, gia nhập nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Trong bối cảnh đó, các chủ thể tham gia các hoạt động thương mại quốc tế có được khuôn khổ pháp lý để bảo vệ quyền và nghĩa vụ hợp pháp của mình, đặc biệt là khi có tranh chấp phát sinh. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì việc giải quyết tranh chấp trong thương mại quốc tế trong thời gian qua vẫn còn tồn tại những hạn chế. Bài viết phân tích cơ sở lý luận và thực trạng giải quyết tranh chấp trong thương mại quốc tế, từ đó đưa ra một số khuyến nghị nhằm góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động thương mại quốc tế, đặc biệt nâng cao năng lực trong giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế của Việt Nam.
Văn phòng công chứng (VPCC) là một trong hai hình thức hoạt động của tổ chức hành nghề công chứng hiện nay. Việc ghi nhận sự tồn tại song song với mô hình Phòng công chứng, nhà nước đang dần rút khỏi hoạt động cung ứng dịch vụ công chứng, mà “nhường” cho các tổ chức ngoài nhà nước hoạt động. VPCC thực hiện chức năng chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của các hợp đồng và giao dịch bằng văn bản, và tính chính xác, hợp pháp không trái đạo đức của bản dịch được quy định tại khoản 1 Điều 2 Luật Công Chứng 2014. Từ đó có thể tránh được những rủi ro pháp lý cho chủ thể có quyền, hạn chế tranh chấp có thể xảy ra ở mức thấp nhất, quyền lợi và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân cũng được bảo vệ. Với tầm quan trọng này Luật Công chứng 2014 và pháp luật có liên quan cần thiết phải quy định chặt chẽ về cơ cấu, tổ chức, điều kiện thành lập của VPCC… Tuy nhiên khi nghiên cứu về điều kiện thành lập VPCC tác giả nhận thấy còn khá nhiều điểm hạn chế, chẳng hạn như quy định về loại hình hoạt động của VPCC một cách quá cứng nhắc, cách đặt tên VPCC chưa phát huy được hiệu quả hoạt động của VPCC, quy định nhiều trường hợp bất hợp lý phải thay đổi tên VPCC, vẫn còn nhiều điểm phải bàn về quy định người đại diện theo pháp luật của VPCC… Trong phạm vi bài viết này, tác giả sẽ phân tích những điểm hạn chế nêu trên và đưa ra những giải pháp nhằm khắc phục những bất cập về điều kiện thành lập VPCC hiện nay.