Nghiên cứu được thực hiện với mục tiêu nhằm phân tích tác động của truyền miệng điện tử (eWOM) đến ý định mua hàng trực tuyến của sinh viên Trường Đại học Tây Đô, một cơ sở giáo dục tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, nơi mà sinh viên có mức độ sử dụng mạng xã hội và các nền tảng thương mại điện tử cao. Nhóm nghiên cứu đã tiến hành khảo sát 265 sinh viên và sử dụng mô hình hồi quy phân tích dữ liệu bằng phần mềm SPSS. Kết quả nghiên cứu cho thấy các yếu tố như thái độ đối với thông tin, nhu cầu thông tin, độ tin cậy của thông tin, tính hữu ích của thông tin, và mức độ chấp nhận thông tin eWOM đều có ảnh hưởng tích cực đến ý định mua hàng trực tuyến của sinh viên. Nghiên cứu này đóng góp cơ sở khoa học quan trọng cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử từ để xây dựng và điều chỉnh chiến lược tiếp thị hiệu quả hơn.
Nghiên cứu nhằm mục tiêu phân tích và đánh giá ảnh hưởng của ứng dụng trí tuệ nhân tạo lên hiệu quả học tập của sinh viên. Nghiên cứu được thực hiện qua khảo sát phỏng vấn 500 sinh viên và 120 giảng viên trong giai đoạn 2023-2024 tại chương trình đào tạo liên kết quốc tế của Đại học Greenwich tại TP. Hồ Chí Minh và TP. Cần Thơ. Kết quả cho thấy trước khi áp dụng trí tuệ nhân tạo, sinh viên gặp nhiều khó khăn về thời gian phản hồi hỗ trợ, hiệu suất học tập thấp và hạn chế trong tiếp cận tài nguyên giáo dục. Mức độ hài lòng của sinh viên đã tăng từ 70% lên 87% tại TP. HCM và từ 65% lên 81% tại TP. Cần Thơ. Thời gian phản hồi yêu cầu hỗ trợ giảm từ 120 phút xuống còn 30 giây tại TP. HCM và từ 150 phút còn 2 phút tại TP. Cần Thơ. Hiệu suất học tập của sinh viên được cải thiện với tỷ lệ sinh viên đạt điểm trên 8,0 tăng từ 30% lên 42% tại TP. HCM và từ 28% lên 38% tại TP. Cần Thơ. Kết quả nghiên cứu cho thấy áp dụng trí tuệ nhân tạo trong học tập góp phần quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả học tập, tăng sự hài lòng của sinh viên, hỗ trợ tốt cho sinh viên trong học tập.
Nghiên cứu được thực hiện nhằm tuyển chọn dòng nấm men có hoạt lực lên men cao từ quả thanh long ruột trắng (Hylocereus undatus) để lên men rượu vang đạt chất lượng cao. Trái thanh long ruột trắng được thu hoạch tại huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang, Trong 47 dòng nấm men thuần chủng được phân lập, kết quả sơ tuyển được 9 dòng nấm men có khả năng lên men cả đường glucose và saccharose, và đều có khả năng lên men rượu vang thanh long. Trong nhóm này, dòng nấm men TR11 có hoạt lực lên men cao nhất. Với dòng nấm men này, rượu vang thanh long ruột trắng lên men sau 7 ngày đạt được độ cồn cao nhất là 11%, hàm lượng đường sót thấp, pH thấp và hàm lượng chất khô hòa tan là 13,1 °Bx. Như vậy, dòng nấm men TR11 có hoạt tính lên men cao, phù hợp để ứng dụng sản xuất rượu vang thanh long ruột trắng.
Nghiên cứu được thực hiện nhằm mục tiêu tuyển chọn dòng nấm men có khả năng chịu nhiệt và chịu cồn cao, cho hoạt lực lên men cao từ dịch quả thanh long ruột đỏ. Trái thanh long được thu hoạch tại huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang. Kết quả nghiên cứu cho thấy 13dòng nấm men được khảo sát đều phát triển tốt ở nhiệt độ nuôi cấy là 44oC và chịu được nồng độ ethanol 12%, ở nồng độ ethanol cao nhất là 16% vẫn còn 6 dòng nấm men phát triển tốt. Các dòng nấm men khảo sát đều lên men được dịch quả thanh long, trong đó có 6 dòng nấm men lên men nhanh với chiều cao cột khí CO2 đạt tối đa sau 66 giờ lên men. Trong đó dòng D9 lên men nhanh nhất với chiều cao cột khí tối đa (45 mm) chỉ sau 54 giờ. Quá trình lên men rượu thanh long bởi dòng nấm men D9 kết thúc sau 10 ngày với các thông số hàm lượng chất khô hòa tan và hàm lượng đường sót thấp nhất lần lượt là 7,67 oBx và 2,15 g/l, pH sản phẩm thấp nhất (4,08) và độ cồn đạt cao nhất (18,33%). Như vậy, dòng nấm men D9 có khả năng chịu nhiệt và chịu ethanol cao, hoạt lực lên men nhanh và mạnh, rất thích hợp để ứng dụng cho quá trình lên men rượu vang thanh long.
Hiện nay, giải quyết việc làm và nạn thất nghiệp là một trong những vấn đề an sinh xã hội quan trọng ở Việt Nam. Trong đó, bảo hiểm thất nghiệp với mục đích là bù đắp hoặc thay thế một phần thu nhập của người lao động khi họ bị mất việc làm, hỗ trợ người lao động học nghề, duy trì việc làm, tìm việc làm trên cơ sở đóng vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp. Đây được coi là giải pháp thiết thực giúp người lao động sớm tìm được việc làm, ổn định cuộc sống, giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước, góp phần ổn định về an sinh xã hội. Tuy nhiên, hiện nay pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp, đặc biệt là về trợ cấp thất nghiệp vẫn còn nhiều hạn chế, tác động bất lợi trong việc bảo vệ lợi ích chính đáng cho người lao động. Dựa trên cơ sở phân tích, tổng hợp, đánh giá các quy định của Luật Việc làm 2013 và các văn bản pháp luật khác có liên quan, từ đó tác giả đánh giá những hạn chế của pháp luật về trợ cấp thất nghiệp và đề xuất một số biện pháp khắc phục những hạn chế này.